logo

Đánh giá chi tiết Lenovo Legion Pro 5 Y9000P: Thời đại của gaming 2K đã đến!

Nguyễn Công Minh 14:01, 21/04/2023

Còn nhớ khi NVIDIA trình làng tính năng dò tia Ray Tracing trên card đồ họa RTX 2000 cách đây năm năm, cả thế giới đã phát sốt về cách đội Xanh tô điểm những siêu phẩm AAA với ánh sáng đúng chuẩn vật lý. Tuy nhiên với mình, có một thứ cũng ra mắt lúc đó còn ấn tượng hơn, và đó chính là “phép màu hiệu năng” DLSS. Mặc dù thất bại với phiên bản đầu nhiều lỗi, nhưng NVIDIA đã sửa sai thành công cho tính năng này với thế hệ ngay sau. Chỉ cần vài cái click chuột và FPS game đã lên gấp rưỡi, gấp đôi,.. và chính Ray Tracing cũng phải nhờ DLSS thì mới bớt ngốn phần cứng và được đón nhận nhiều hơn.

Đánh giá tổng quan Lenovo Legion Pro 5 Y9000P

Thấm thoắt đã hơn ba năm, NVIDIA đã có thế hệ thứ ba của DLSS với sức mạnh ấn tượng hơn nhiều. Và tình cờ thay, nó đến cùng lúc với sự đòi hỏi của game thủ về một trải nghiệm chơi game mãn nhãn. Có lẽ đã đến lúc, độ phân giải FullHD quen thuộc dần lui về quá khứ. Game thủ ngày nay bắt đầu muốn nhiều hơn, tối thiểu cũng phải 2K như trên chiếc Lenovo Legion Pro 5 Y9000P thế hệ mới nhất này.

Vậy chiếc laptop này sẽ có những gì để đáp ứng mong muốn của game thủ trong thời đại mới? DLSS 3 sẽ đủ tốt để tự mình tẩy đi những định kiến trước đây từ người dùng? Không chần chừ thêm nữa, hãy cùng đánh giá chi tiết sản phẩm này để có câu trả lời nhé.

Hiệu năng - DLSS 3 ảo thật đấy!

Để làm nên hiệu năng chắc chắn là mạnh mẽ trên Lenovo Legion Pro 5 Y9000P, chúng ta sẽ có ở đây một tổ hợp linh kiện bao gồm vi xử lý Intel Core i9-13900HX 24 nhân 32 luồng, 16GB RAM DDR5, 1TB SSD PCIe 4.0 x4 và đặc biệt là card đồ họa rời NVIDIA GeForce RTX 4060 8GB GDDR6. Về RTX 4060 thì theo những so sánh sơ bộ, nó sẽ nhỉnh hơn hẳn so với thế hệ tiền nhiêm là RTX 3060 và ngang cơ với RTX 3070. Vậy nên cũng dễ hiểu tại sao Lenovo lại đặt nó đi cùng một màn hình với độ phân giải lên tới 2K.

Card đồ họa RTX 4060: Sức mạnh của “phép màu” DLSS

Thử nghiệm trên nhiều tựa game, RTX 4060 đều đem lại trải nghiệm mượt mà dù đang chạy ở 2K. Với những game Esports như VALORANT, Liên Minh Huyền Thoại, v.v. thì không phải nghi ngờ gì rồi,.. Đáng nói hơn sẽ là những siêu phẩm game AAA như God of War, Shadow of the Tomb Raider, Horizon Zero Dawn, v.v. Tất cả đều chạy với mức FPS tương đối cao, đa phần sẽ vào khoảng 80 - 100 FPS với thiết lập tối đa, hãy nhớ là ở độ phân giải 2K nhé (trừ Returnal vì bản game này chưa có tùy chọn 2K).

Tuy nhiên khi mở thiết lập Ray Tracing về đổ bóng, ánh sáng,... trên các game đó, câu chuyện sẽ hơi khác. Cụ thể thì khi đó, chúng ta sẽ phải đánh đổi khá nhiều FPS để lấy về tính thẩm mỹ, trung bình sẽ vào khoảng 20-30% như người viết thử nghiệm. Sẽ có nhiều phân cảnh game FPS có thể xuống dưới 60, và đó là lúc DLSS tỏa sáng. Khi kích hoạt ở chế độ Quality, đa phần trường hợp đều đã ổn định FPS ở mức chơi mượt (60), thậm chí còn hơn nhiều.

Mình biết là tới đây, nhiều bạn sẽ cảm thấy không hài lòng với DLSS, rằng chơi game là phải hiệu năng thuần thì mới “VIP”. Tuy nhiên thì xin được mượn ý của một người em, đó là chúng ta bỏ tiền mua laptop cũng là mua cả công nghệ trong đó. Nếu nó đem lại hệ quả tích cực, tại sao lại không dùng nhỉ? Game mới ra càng ngày càng “đói” phần cứng và nếu không có DLSS thì sẽ có ngày, chúng ta phải đổi cả chiếc máy thân yêu chỉ để chạy theo cơn đói đó.

Những gì chúng ta thấy bên trên mới chỉ là hiệu năng của phiên bản DLSS tiền nhiệm, tức DLSS 2.0. Mọi thứ sẽ còn được đẩy cao hơn nữa với DLSS 3 trên RTX 4060, với những công nghệ mới nhất như Frame Generation. Hiện tại, mới chỉ có một lượng nhất định game AAA hỗ trợ tính năng này, nhưng với hiệu quả mà nó đem lại thì có lẽ, các nhà phát triển cũng sẽ sớm tính tới việc tích hợp nó vào sản phẩm mà thôi.

Với việc các tựa game AAA mới ra đang rất “đói” phần cứng, đây hứa hẹn sẽ là giải pháp tốt để game thủ đảm bảo về trải nghiệm. Đặc biệt khi đây đã là năm 2023, việc gaming trên màn hình FullHD không còn đủ để thỏa mãn một bộ phận người chơi. Ngay trên những sản phẩm Lenovo Legion Pro 5 của 2022, chúng ta đã thấy một số mã máy đã có tùy chọn màn hình 2K. Nếu được kết hợp cùng DLSS 3 và Frame Generation thì sẽ là rất tuyệt vời.

Chưa kể riêng với Lenovo Legion Pro 5 Y9000P, chúng ta sẽ còn có cả MUX Switch, giúp việc xuất hình có thể được “khoán” hoàn toàn cho card đồ họa rời, giúp FPS trong game được đẩy lên tối đa mà không bị nghẽn cổ chai. Trên các sản phẩm laptop gaming cao cấp hiện nay, đây đã là một tính năng không thể thiếu, đặc biệt khi các tựa game đang được cập nhật với nhiều công nghệ đồ họa hiện đại và cần rất nhiều sức mạnh phần cứng.

Vi xử lý Core i9-13900HX: Xử lý thả ga

Quay trở lại với sản phẩm năm nay, chúng ta vẫn còn nhiều thành phần nữa chưa được nói tới. Ví dụ như vi xử lý Intel Core i9-13900HX, chúng ta sẽ có được sức mạnh đơn nhân và đa nhân hàng đầu thị trường, tạo nên nhờ lượng nhân luồng dồi dào cùng khả năng ăn điện khủng khiếp với tối đa lên đến gần 150W. Không có gì bất ngờ nếu điều này khiến Core i9-13900HX nóng lên dữ dội, với trung bình khoảng 92 - 95 độ C khi chạy nặng.

Có thể thấy với hệ thống của Lenovo Legion Pro 5 Y9000P, Core i9-13900HX gần như được “thả cửa” để sẵn sàng bung tỏa ở các tác vụ nặng. Một số có thể kể tới render ảnh bằng Lightroom, sử dụng Photoshop hay chơi những game thiên về ngốn CPU như VALORANT.

Ngoài ra với hậu tố HX, vi xử lý này còn được tối ưu để người dùng có thể ép xung nếu cần. Tuy nhiên với xung đơn nhân đã rất khủng, có thể lên tới 5.0 - 5.3GHz khi thử nghiệm, người viết nghĩ rằng đây sẽ là điều không quá cần thiết.

Nhiệt độ và điện năng tiêu thụ

Với mức hiệu năng khủng, cả Core i9-13900HX lẫn RTX 4060 đều sẽ tỏa nhiệt khá mạnh trong quá trình sử dụng. Khi máy chạy ở chế độ hiệu năng mạnh nhất, CPU trung bình sẽ nóng lên vào khoảng trên 90 độ, trong khi GPU sẽ vào khoảng 83 - 85 độ C. Nhiệt lượng của máy sẽ tỏa ra nhiều nhất ở bản lề và các khe thoát nhiệt ở xung quanh máy. Phần phím WASD cũng có ấm lên nhưng ở mức chấp nhận được.

Về điện năng tiêu thụ, người viết có chút thắc mắc về mức điện tiêu thụ của RTX 4060. Với việc nó đang chỉ ăn khoảng 90 - 100W điện ngay cả với những tác vụ nặng, liệu chiếc card của chúng ta đã thực sự phát huy hết tiềm năng, hay chỉ đơn giản là thành quả của việc thu nhỏ bán dẫn so với RTX 3000 đi trước?

Dưới đây là một số các bài benchmark mang tính tham khảo được thực hiện trên chiếc Lenovo Legion Pro 5 Y9000P:

Nhìn chung, sức mạnh của RTX 4000, MUX Switch và hiệu quả của các công nghệ mới DLSS 3 hay Frame Generation đã mở ra nhiều tiềm năng về gaming trên laptop 2023. Trong bối cảnh người dùng đang ngày càng ưa chuộng trải nghiệm giải trí với độ phân giải cao, sự kết hợp giữa hiệu năng thuần của phần cứng và sự tối ưu của phần mềm sẽ khiến việc chạy game mượt không còn là chuyện lớn.

Tất nhiên, DLSS không phải là hoàn hảo, và nhiều người vẫn “anti” nó vì những lỗi nhỏ và cái gọi là “hiệu năng thuần”. Tuy nhiên thì nếu mọi thứ đã tốt đến như trong bài, tại sao lại không gác bỏ quan niệm cũ và cho công nghệ này một cơ hội nhỉ?

Thiết kế - Trau chuốt, mạnh mẽ, thêm điểm nhấn

Thiết kế của Lenovo Legion Pro 5 Y9000P phiên bản mới nhất vẫn mang sự chỉn chu thường thấy của series Legion, không quá cầu kỳ, hầm hố nhưng nhiều dòng máy gaming khác. Với những đường nét vuông vắn, được cắt xẻ hợp lý cùng tông màu Xanh Đen trang nhã, đây vẫn sẽ là một sản phẩm phù hợp để bạn có thể mang tới các địa điểm làm việc, quán cafe, v.v mà không sợ quá nổi bật.

Thiết kế mặt lưng Lenovo Legion Pro 5 Y9000P

Tuy nhiên, việc mang được chiếc máy này ra ngoài sẽ không phải chuyện dễ dàng. Thân máy đã nặng tới khoảng 2,5kg, đi kèm cục sạc với công suất lên đến 300W dày bản thì sẽ có thể lên tới gần 3.0kg. Với những ai đã quen sử dụng laptop gaming thì không sao, nhưng nếu bạn là người mới với dạng laptop Lenovo này thì nên có sự cân nhắc.

Thiết kế viền màn hình Lenovo Legion Pro 5 Y9000P

Nhìn chung, đó cũng là điểm “gợn” duy nhất mà bộ khung của Lenovo Legion Pro 5 Y9000P. Còn lại thì mọi thứ về nó đều tuyệt vời, xứng đáng với giá tiền đắt đỏ và phù hợp với phong cách cá nhân của người viết. Chất liệu kim loại tạo nên vỏ máy rất dày và cứng cáp, gần như không có độ flex, còn lớp sơn nhám nhẹ phủ lên trên cũng cho cảm giác sờ mịn màng, bám tay vừa đủ.

Thiết kế màn hình Lenovo Legion Pro 5 Y9000P

So với phiên bản tiền nhiệm, Lenovo Legion Pro 5 Y9000P bản 2023 sẽ có một số thay đổi nhỏ. Đáng chú ý nhất sẽ là phần nắp máy, nay đã không còn hai đường gân chéo và biểu tượng chữ Y cũng được làm cách điệu, “máy móc” hơn để tạo điểm nhấn. Ngoài ra, các khe tản nhiệt cũng được làm thành hình lục giác thay vì hình bình hành, nếu để ý thì bạn đọc sẽ thấy nó khá hợp với sự tinh gọn mà Lenovo hướng tới.

Màn hình - Tuyệt vời cho mọi tác vụ

Thân là một sản phẩm chuyên để chơi game, nhưng màn hình của Lenovo Legion Pro 5 Y9000P cũng đủ ấn tượng để làm nhiều tác vụ công việc chuyên nghiệp khác. Cụ thể thì chúng ta sẽ có được độ phân giải lên tới 2560 x 1600, tấm nền IPS của BOE, tỉ lệ 16:10 cùng tần số quét lên tới 240Hz. Với tần số quét cao, game thủ sẽ có được trải nghiệm cực kỳ nhanh và mượt mà, đó là chưa kể tới khả năng giảm tối đa độ trễ kích hoạt được trong phần mềm Lenovo Vantage.

Màn hình Lenovo Legion Pro 5 Y9000P

Còn để làm việc, màn hình này cũng phục vụ tốt với tỉ lệ 16:10, giúp hiển thị nhiều hơn thông tin theo chiều dọc. Hơn nữa đây cũng là màn hình với kích thước lên tới 16-inch, nên những ai cần phải đọc và soạn thảo nhiều sẽ cảm thấy cực kỳ thoải mái.

Để làm đồ họa thì màn hình của ​​Lenovo Legion Pro 5 Y9000P cũng thừa khả năng. Dưới đây là thông số màu sắc của máy được đo ra bằng công cụ SpyderX Elite, và chúng ta có thể thấy từ độ phủ màu, độ sáng, tương phản và đặc biệt là độ lệch màu, v.v. Tất cả đều ở ngưỡng cực kỳ lý tưởng.

Một yếu tố đáng nói nữa của màn hình Lenovo Legion Pro 5 Y9000P sẽ là việc cả bốn viền của nó đều rất mỏng, gây ấn tượng lớn về tính thẩm mỹ. Phía trên cùng sẽ có phần nhô ra chứa cụm webcam với độ phân giải 720p, không hỗ trợ cảm biến khuôn mặt Windows Hello.

Bàn phím và touchpad

Lenovo Legion Pro 5 Y9000P vẫn sở hữu cụm bàn phím đơn giản, cực kỳ đầy đủ để dùng cho nhiều mục đích. Không chỉ dùng được để chơi game, phần phím này còn có cảm giác gõ đủ tốt để phục vụ việc nhập liệu. Một điểm trừ nhỏ là ở phiên bản người viết trải nghiệm, bàn phím này sẽ không có LED RGB, tuy nhiên dòng Legion trước giờ vẫn được biết đến với tính đa dụng nên đây không phải điều gì quá phiền phức.

Bàn phím Lenovo Legion Pro 5 Y9000P

Các nút mũi tên đều được làm lớn, điểm cộng nếu game thủ muốn sử dụng để chơi game đua xe, đối kháng, v.v. Cụm phím số cũng có kích thước vừa phải nếu người dùng có nhu cầu nhập số liệu, thiết lập phím tắt để sử dụng trong Lightroom.

Touchpad của Lenovo Legion Pro 5 Y9000P tương đối rộng rãi, có cảm giác sử dụng mượt mà nhờ phủ nhựa bóng và chính xác nhờ driver Windows Precision. Nhìn chung, nếu phải chọn ra phần bàn phím - touchpad nào để dùng cho hỗn hợp tác vụ trên laptop, người viết vẫn luôn ưu tiên tìm tới dòng Legion.

Touchpad Lenovo Legion Pro 5 Y9000P

Hệ thống cổng kết nối

Về cổng kết nối, Lenovo Legion Pro 5 Y9000P có đầy đủ các loại để game thủ có thể tận dụng. Cụ thể thì máy sẽ có 1 cổng USB-A và 1 cổng USB-C ở cạnh trái, 1 cổng USB-A, jack tai nghe 3.5mm combo cùng cần gạt bảo mật webcam ở cạnh phải, cùng cạnh sau là nơi chứa nhiều cổng nhất với cổng nguồn, 2 cổng USB-A, cổng HDMI và cổng LAN-RJ 45.

Khả năng nâng cấp và thời lượng pin

Khi mở máy xem bên trong, chúng ta có thể thấy Lenovo Legion Pro 5 Y9000P có hai khe RAM và hai khe SSD NVMe được trang bị pad tản nhiệt. Trong đó một khe đã có sẵn 1TB SSD NVMe, vậy nên nếu có nhu cầu thì chúng ta có thể lắp thêm một chiếc nữa. Viên pin của máy sẽ có dung lượng 80Wh, khá nhiều cho một sản phẩm laptop gaming. Thời lượng sử dụng mà nó đem lại có lẽ không nền được kì vọng nhiều, trừ khi chúng ta bật Hybrid Mode trong phần mềm Lenovo Vantage để máy sử dụng nhiều hơn iGPU, tiết kiệm năng lượng.

Tạm kết

Nhìn chung với việc được trang bị RTX 4000, các sản phẩm laptop 2023 như Lenovo Legion Pro 5 Y9000P sẽ có thêm nhiều công cụ để cung cấp trải nghiệm gaming chất lượng. Mặc cho đòi hỏi ngày càng cao của game thủ về mọi mặt, chúng ta vẫn sẽ có nhiều kiểu tùy chỉnh, tận dụng tất cả những DLSS, Frame Generation, MUX Switch, v.v. để tạo nên thiết lập đáp ứng tốt nhu cầu.

Và nhìn cái cách RTX 4060 thế hiện tốt đến ra sao với các công nghệ mới, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng vào hiệu năng của các dòng card thấp hơn trong series RTX 4000. Bởi vì đó mới thực sự là thứ mà đa phần người dùng có thể tiếp cận, và chúng sẽ rất cần tới những sự tối ưu về phần mềm - đặc biệt là DLSS - để đem lại trải nghiệm chơi game đúng chuẩn thế hệ mới.

Quay lại với sản phẩm này thì về cơ bản, đây thực sự là một chiếc máy tốt. Nó có đủ mọi đặc trưng hay ho của dòng laptop Lenovo Legion, chưa kể lại đi kèm với một “bộ lòng” rất mạnh và tối ưu về điện năng. Tuy nhiên bù lại thì do là sản phẩm mới, mức giá của Lenovo Legion Pro 5 Y9000P sẽ là không hề rẻ ở thời điểm viết bài. Với việc được hỗ trợ lâu dài, có thể được bổ sung nhiều tính năng AI trong tương lai và đang giảm giá 5%, bộ công cụ này sẽ là trợ thủ đắc lực để cùng Lenovo Legion Pro 5 Y9000P đưa hiệu suất công việc của chúng ta lên tầm cao mới.