logo

Đánh giá bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro: Chất âm "ăn liền", đáng tiền bỏ ra!

Nguyễn Công Minh 11:43, 29/11/2023

Ở thế giới nơi mỗi chiếc bàn phím cơ sinh ra đều là ngọc thô, mặc định cần được người dùng mổ xẻ, mài dũa sao cho vừa ý, thì các sản phẩm với chất lượng đủ để “ăn liền” sẽ là những viên kim cương quý hiếm, tỏa sáng rực rỡ trên thị trường. Nếu đó còn là một cái tên xuất hiện ở phân khúc giá rẻ - tầm trung thì quả thực rất tuyệt, khi đây thường là địa hạt của những mẫu phím ẩn chứa nhiều sự đánh đổi - chủ yếu do các hãng phải tối ưu về chi phí.

Ở thế giới nơi mỗi chiếc bàn phím cơ sinh ra đều là ngọc thô, mặc định cần được người dùng mổ xẻ, mài dũa sao cho vừa ý, thì các sản phẩm với chất lượng đủ để “ăn liền” sẽ là những viên kim cương quý hiếm

Nếu như trước đây, nhắc tới phím cơ “ăn liền” là nghĩ ngay đến các sản phẩm bàn phím FL-Esports, thì ở thời điểm hiện tại đã có quá nhiều đối thủ đủ sức cạnh tranh với thương hiệu này, với mức giá ngày càng chạm đáy. Ví dụ điển hình có thể kể tới Monka - cái tên đang gây bão trên YouTube cũng như các hội nhóm mua bán phím cơ - với những mẫu mã đầy đủ tính năng cùng chất âm hoàn thiện đến ngạc nhiên, đơn cử như Monka 3075 v2 Pro.

Với mức giá chỉ khoảng 1,2 triệu Đồng tại các đại lý, có thể rẻ hơn nếu mua chung trên hội nhóm, liệu mẫu phím này sẽ làm tốt đến đâu? Hãy cùng ThinkPro tìm hiểu thông qua bài đánh giá chi tiết bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro hôm nay nhé.

Mở hộp bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro

Về phần đóng hộp, Monka 3075 v2 Pro sẽ ở trong một chiếc hộp phối màu Tím - Trắng, bên ngoài là logo của hãng. Nhìn chung thì đây cũng là cách đóng hộp thường thấy của nhiều thương hiệu lạ tới từ Trung Quốc, tuy nhiên việc không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm được in kèm (màu phím, loại switch, v.v.) khiến việc chọn mua của người dùng sẽ hơi bất tiện.

Về phần đóng hộp, Monka 3075 v2 Pro sẽ ở trong một chiếc hộp phối màu Tím - Trắng

Bên trong, chúng ta sẽ có chiếc phím được che bởi một chiếc nắp mica trong suốt. Monka 3075 v2 Pro sẽ có hai màu chính là Đen và Trắng, với keycap sẽ có màu giống khung phím hoặc hơi khác một chút. Ở đây ThinkPro đang mở hộp phiên bản màu Trắng, ở dưới sẽ có thêm ảnh của bản màu Đen để bạn đọc tham khảo.

Monka 3075 v2 Pro sẽ có hai màu chính là Đen và Trắng

Đi kèm sản phẩm chính sẽ là phần dây nối USB-A to C, màu giống với màu phím, cùng với cây tháo keycap và cây tháo switch. Một switch để thay thế cũng sẽ được Monka tặng cho người dùng, cá nhân người viết thấy như vậy là khá ít, có thể từ 3-5 switch thay sẽ đầy đủ hơn nhiều.

Đi kèm sản phẩm chính sẽ là phần dây nối USB-A to C

Monka 3075 v2 Pro sẽ không có các phím novelty thay thế đi kèm, có thể là để tối ưu phần nào chi phí. Nếu muốn có được các phím này với màu sắc độc đáo, người dùng sẽ cần tìm mua các phiên bản màu khác của sản phẩm trên thị trường.

Thiết kế của bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro

Bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro sở hữu thiết kế đơn giản, với layout 75% đã rất phổ biến trên thị trường, dễ dùng dễ làm quen. Điểm nhấn lớn nhất của sản phẩm này khi nhìn từ bên ngoài sẽ là phần màn hình màu ở góc phải trên, hiển thị các thông tin quan trọng cũng như hình ảnh đẹp mắt vui nhộn, phần sau của bài viết sẽ đề cập thêm.

Bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro sở hữu thiết kế đơn giản, với layout 75% đã rất phổ biến trên thị trường

Ngoài ra, việc sử dụng keycap Ninja (tên tạm gọi) với ký tự được in ở mặt hông, chính diện trống không cũng tạo nên sự độc đáo và thẩm mỹ cho sản phẩm. Nhìn từ trên xuống hoặc chụp hình từ bên trên, Monka 3075 v2 Pro trông khá sạch sẽ, đặc biệt phù hợp khi được đặt vào các góc làm việc theo trường phái tối giản để phục vụ nhu cầu “sống ảo”.

Mặt đáy sản phẩm sẽ là nơi tập trung các công tắc chuyển đổi, cổng USB-C cũng như có một chỗ để gắn dongle 2.4GHz bằng kết nối nam châm. Có hai công tắc để chọn giữa layout Windows và macOS, công tắc còn lại là để chuyển giữa ba chế độ kết nối của sản phẩm là dongle 2.4GHz, Bluetooth và cắm dây.

Mặt đáy sản phẩm sẽ là nơi tập trung các công tắc chuyển đổi

Cổng USB-C của Monka 3075 v2 Pro được làm lõm sâu vào bên trong, một điểm người viết đánh giá là chưa được tinh tế. Nếu bạn dùng sợi dây đi kèm để sạc máy hay cắm vào máy tính thì không sao, nhưng nếu có một sợi dây custom hoành tráng thì khả năng cao, đầu cắm USB-C của nó sẽ không thể chui lọt xuống gầm của chiếc phím này.

Cổng USB-C của Monka 3075 v2 Pro được làm lõm sâu vào bên trong

Các khe đi dây của Monka 3075 v2 Pro nhìn có vẻ tiện nhưng cũng có bất cập, cụ thể thì cũng là với những sợi dây custom thường có đường kính khá lớn. Nhìn chung, tốt nhất là chúng ta nên sử dụng sản phẩm này ở dạng không dây, vì vừa tiện mà lại không ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ - thứ sẽ bị phá hỏng bởi sợi dây đi kèm không được đẹp cho lắm.

Cuối cùng, chiếc phím này sẽ có chân nâng hai nấc để phù hợp với nhiều kiểu gõ. Tuy nhiên với phần khung khá dày, dùng thêm kê tay theo người viết sẽ là cần thiết để chúng ta không bị mỏi tay khi nhập liệu.

Cuối cùng, chiếc phím này sẽ có chân nâng hai nấc để phù hợp với nhiều kiểu gõ

Tiện nói đến khung dày, thì đây cũng là yếu tố chính khiến tổng thể sản phẩm tỏ ra cực kỳ chắc chắn. Khi vặn xoắn lại, không hề có tiếng cọt kẹt hay dấu hiệu ọp ẹp nào phát ra, một điểm cộng về độ hoàn thiện.

Switch và keycap của bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro

Về switch, Monka 3075 v2 Pro sẽ dùng hàng do chính thương hiệu này sản xuất. Phiên bản phím người viết đang có sẽ dùng một mẫu switch linear, màu Đỏ và đã được lube sẵn từ nhà máy. Chân switch này là dạng chữ thập thông thường, không có box bao xung quanh để củng cố độ vững của chân stem. Monka 3075 v2 Pro cũng có các phiên bản dùng switch dạng box như Sea Salt (tactile) hay Cherry Powder (linear), đang chờ nhập về tại ThinkPro.

Về switch, Monka 3075 v2 Pro sẽ dùng hàng do chính thương hiệu này sản xuất.

Theo nhận xét của người viết thì switch này của Monka có tiếng khá tốt so với kha khá sản phẩm được lube sẵn khác, rất ít sạn và nhấn cũng mượt. Sẽ có 1-2 switch trên bàn phím có dấu hiệu bị lube hơi nhiều / hơi ít so với phần còn lại, tuy nhiên phải rất kỹ tính thì người dùng mới có thể nhận ra. Như một người chơi phím cơ “xịn”, bạn đọc có thể lube lại bộ switch này, còn với người mới thì người viết nghĩ hoàn toàn có thể dùng ngay.

Đi kèm với switch Monka sẽ là bộ keycap ninja bằng nhựa PBT Doubleshot, ký tự xuyên LED. Khi gắn lên phím thì keycap này bám khá chặt vào chân stem của switch, nên nhiều khi tháo ra thì chúng ta cũng lôi luôn cả switch ra ngoài, hơi bất tiện. Độ hoàn thiện của keycap này ở mức chấp nhận được, duy có phím Space như của người viết thì bị ba via nhựa thừa, sơn Trắng cũng lem cả vào lớp nhựa Doubleshot, một điểm trừ không nhỏ.

Đi kèm với switch Monka sẽ là bộ keycap ninja bằng nhựa PBT Doubleshot

Stab của bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro

Về stab, sản phẩm này sẽ sử dụng stab plate-mounted và đã được lube sẵn bởi nhà máy. Ít nhất với chiếc phím của người viết thì việc lube stab này có vẻ đã được làm rất kỹ, cực kỳ cân ở các phím dài để tạo ra âm thanh ổn định - đặc biệt là phím Space. Với người viết, phần stab này cũng có thể dùng ngay mà không phải tinh chỉnh nhiều, ngay cả phần chân stem cũng tỏ ra vững chắc như bàn thạch, gần như không thể bị lay chuyển.

Về stab, sản phẩm này sẽ sử dụng stab plate-mounted và đã được lube sẵn bởi nhà máy.

Kết cấu bên trong bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro

Về kết cấu, Monka 3075 v2 Pro tỏ ra khá đặc, khi hãng đã để vào bên trong sản phẩm những lớp xốp và silicon rất dày, đi kèm viên pin siêu lớn với dung lượng cũng lên đến 4.000 mAh. Nhờ vậy nên khả năng cao, âm thanh gõ của sản phẩm sẽ được gọn gàng, không bị vang, nhưng có bị tịt hay không thì phải thử mới rõ.

Về kết cấu, Monka 3075 v2 Pro tỏ ra khá đặc

Phần plate của sản phẩm này sẽ được làm từ chất liệu nhựa PC mềm dẻo, được kết hợp với cơ chế gasket để tạo cảm giác “nhún nhảy” bắt trend. Tuy nhiên do đây chỉ là gasket silicon nên độ nhún cũng không quá nhiều, khi gõ thực tế thì người viết cũng chưa cảm nhận được ảnh hưởng mà cơ chế này đáng ra cần đem lại.

Mạch PCB của Monka 3075 v2 Pro cho phép người dùng có thể thay nóng switch, hay “hot-swap”, với cả switch 3 chân lẫn 5 chân. Ở giữa PCB và plate của phím sẽ là một lớp xốp nữa, cụ thể là xốp poron, giúp tiếng phát ra khi gõ ấm hơn và tản sáng tốt hơn cho LED RGB của phím.

Mạch PCB của Monka 3075 v2 Pro cho phép người dùng có thể thay nóng switch, hay “hot-swap”

Tất cả sẽ được gắn kết với nhau bằng các con vít ở bên trong PCB, đặt trong phần khung nhựa dày cố định bằng cơ chế lẫy.

Màn hình rời của bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro

Màn hình trên bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro sẽ có độ phân giải 169 x 96, nằm gọn gàng ở góc phải trên khung phím và sử dụng tấm nền là LCD. Mặc định thì ở đây sẽ là nơi hiển thị các thông tin quan trọng như ngày giờ theo thời gian thực, thời lượng pin, hệ điều hành đang sử dụng cũng như chế độ kết nối.

Màn hình rời của bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro

Ngoài ra, người dùng còn có thể cho màn hình này hiển thị các video vui nhộn hay logo riêng để cá nhân hóa sản phẩm. Chất lượng hiển thị ở mức tạm ổn, màu sắc tươi nhờ dùng tấm nền LCD, nhưng vì kích thước hơi nhỏ nên cá nhân người viết vẫn sẽ thích đây được thay bằng một chiếc núm xoay, điều chỉnh âm lượng hay các yếu tố khác sẽ thiết thực hơn.

Trải nghiệm gõ trên bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro

Về cảm giác gõ thì không ngoài dự đoán, bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro cho ra âm thanh rất gọn, gần như không nhận thấy tình trạng vang do ruột bên trong rất đặc. Ngoài ra, việc tiếng không bị tịt cũng cho thấy hãng đã tính toán về vật liệu bên trong rất tốt. Nếu là người mới chơi phím cơ, bạn sẽ khá thích chất âm này: Ấm áp dễ chịu, to vừa đủ. Và để nghe trực tiếp âm thanh này, bạn đọc có thể tham khảo ở video dưới đây của ThinkPro:

Tuy nhiên, nếu là một người có kinh nghiệm custom phím, bạn sẽ lại thấy âm thanh này có phần một màu: Không nổ to, không “thóc thóc” như trên YouTube, v.v. Hoàn toàn bình thường, thậm chí là hơi sạn. Để biến sự bình thường này trở nên đặc biệt, bạn có thể lube lại hoặc thay hẳn switch, đồng thời thực hiện tape mod ba lớp để âm từ PCB được dội lại, nổ to và giòn hơn.

Tham khảo trên Internet, nhiều người dùng đã mua Monka 3075 v2 Pro cũng tư vấn về việc nên chọn bản có switch Cherry Powder. Hầu hết các video đánh giá sản phẩm trên YouTube cũng xoay quanh mẫu switch trên, và người viết thấy rằng âm cũng có nổ - nhất là khi đi kèm tape mod, cộng thêm độ gọn vốn có nữa thì sẽ “mê” hơn so với tùy chọn trong bài viết này.

Tham khảo trên Internet, nhiều người dùng đã mua Monka 3075 v2 Pro cũng tư vấn về việc nên chọn bản có switch Cherry Powder.

Nhìn chung, những vấn đề về tiếng xảy ra ở nhiều sản phẩm giá rẻ sẽ biến mất trên Monka 3075 v2 Pro, và với người mới chơi hay lười tùy biến thì đó là một điểm cộng lớn. Tuy nhiên, việc sản phẩm này có thể đột phá hay không còn phụ thuộc vào switch đi kèm, vậy nên hãy nhớ “chọn đúng nền văn minh” khi tiếp cận với mẫu phím này nhé.

Tạm kết

Và đó là bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro, một sản phẩm “ăn liền” tương đối ấn tượng về nhiều mặt. Từ chất lượng hoàn thiện, kết cấu bên trong, quá trình xử lý từ hãng và trải nghiệm gõ cho ra, tất cả đều ở mức khá cho đến tốt với một mẫu phím cơ tầm giá chỉ 1,3 triệu Đồng hoặc rẻ hơn - đó là chưa kể về mặt tính năng như hot-swap mạch xuôi, có màn hình màu rời và hơn thế nữa.

Và đó là bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro, một sản phẩm “ăn liền” tương đối ấn tượng về nhiều mặt.

Với những người dùng khó tính thì đúng là sản phẩm này vẫn còn nhiều “sạn”, cần phải trau chuốt thêm để đạt được điểm 9, điểm 10 trong tầm tiền. Tuy nhiên nếu đã là “fan cứng” của màn hình rời trên bàn phím mà trong tay chỉ có đúng 1,3 triệu Đồng, Monka 3075 v2 Pro vẫn sẽ là một lựa chọn tốt với chất lượng “ăn liền”, ít nhất là đã chạm được tới điểm 8 - thứ mà không ít đối thủ cạnh tranh của nó còn đang phải mơ tới.

Có thể bạn quan tâm

Bên cạnh bàn phím cơ Monka 3075 v2 Pro, ThinkPro cũng đang kinh doanh rất nhiều sản phẩm bàn phím chất lượng cao, với mức giá tốt nhất thị trường cùng hậu mãi chu đáo.